Chỉ học cắt tỉa đùi gà, 'hô biến' thành bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ
22/04/2024 14:56
Nhiều lần chứng kiến một số người không được đào tạo y khoa, thậm chí thực hành phẫu thuật trên đùi, cánh gà, nhưng vẫn tự xưng là "chuyên gia thẩm mỹ", bác sĩ thật cũng phải "chào thua".
Thực hành phẫu thuật bằng cách "cắt tỉa đùi gà"
Nhiều năm qua, PGS.TS Đỗ Quang Hùng - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, luôn kiên trì với công cuộc chống lại nạn giả danh bác sĩ thẩm mỹ. Tuy nhiên, ông thở dài chia sẻ: “Chỉ như muối bỏ bể”.
Theo bác sĩ Hùng, lĩnh vực làm đẹp luôn "hot" vì nhu cầu nhiều, không chỉ phục vụ nữ giới mà ngay cả nam giới cũng ngày càng quan tâm hơn. Vì vậy, nhiều cơ sở làm đẹp đã không hoạt động đúng chức năng được cấp phép. Ví dụ, spa chăm sóc da nhưng lại "đội lốt" thành phòng khám, viện thẩm mỹ có thể thực hiện các hoạt động tiêm filler, truyền trắng, cắt mí, treo cung mày, căng chỉ, thậm chí phẫu thuật nâng mũi, vùng kín… Thậm chí, họ còn đào tạo cho “ra lò” hàng loạt bác sĩ giả danh, bất chấp nguy hiểm của khách hàng.
Vị chuyên gia này chia sẻ: "Có những lớp đào tạo bác sĩ thẩm mỹ sử dụng đùi gà, cánh gà cắt tỉa học vài ba buổi rồi tự phong mình là chuyên gia thẩm mỹ. Để trở thành một bác sĩ ngoại khoa, có thể cầm dao mổ trên khách hàng, các bác sĩ phải trải qua thực hành thực tế biết bao nhiêu ca phẫu thuật lớn, nhỏ, luyện từ cách cầm dụng cụ đến từng thao tác may da, cầm kim, chỉ. Khi ra trường, chưa chắc họ đã làm thẩm mỹ mí mắt được. Trong khi đó, có những người chưa hề học gì về y khoa hoặc học bập bõm kèm thêm cắt tỉa vài miếng thịt rồi vẫn làm cho khách hàng".
Trong khi đó, một bác sĩ phải học y khoa trong 6 năm, học sau đại học 4-6 năm tùy chuyên khoa, sau đó học thực hành lâm sàng, được thầy cô cầm tay chỉ việc, nếm trải khổ đau, mồ hôi nước mắt. Do đó, khi thấy tình trạng những người thợ cắt tóc, chăm sóc da tự nhận mình là chuyên gia, "bàn tay vàng" trong lĩnh vực thẩm mỹ, họ rất bức xúc.
"Nhiều bác sĩ lên tiếng đòi công bằng cho nghề nhưng đều vô vọng. Bác sĩ thật không thể chạy nhanh được bằng các bác sĩ giả đang lộng hành trên thị trường làm đẹp. Họ thua các bác sĩ giả danh vì khâu marketing quá mạnh, ngang nhiên quảng cáo và giá lại rẻ. Ví dụ, một ca cắt mí nếu khách hàng thực hiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy là 6 triệu đồng, các phòng khám mạo danh quảng cáo chỉ 3-4 triệu đồng. Hay tiêm chất làm đầy, nếu tiêm filler chuẩn y khoa có giá vài triệu đồng nhưng ở bên ngoài chỉ vài trăm tới hơn 1 triệu đồng", ông Hùng cho biết.
Cần chấm dứt cảnh "thay tên, đổi biển", loạn quảng cáo trên mạng
Hiện nay, một tình trạng đang diễn ra rất phổ biến trên mạng xã hội đó là tràn lan quảng cáo của các cơ sở làm đẹp với đầy đủ các dịch vụ, thủ thuật từ đơn giản đến phức tạp. PGS.TS Hùng từng chứng kiến nhiều cơ sở sai phạm, bị xử phạt hành chính và chỉ một thời gian ngắn đã "thay tên, đổi biển" thành một cơ sở khác, tiếp tục hoạt động “chui” và quảng cáo sai sự thật.
"Thậm chí, tôi từng gặp tình huống tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân, khi bác sĩ đứng tên chính trong ca mổ chưa kịp tới, chủ cơ sở đã chỉ định ngay điều dưỡng thường xuyên phụ mổ để làm cho khách. Người này lý giải vì điều dưỡng đã quen tay, nhìn riết cũng thành thợ mổ! Hay có những kỹ thuật viên làm về xét nghiệm, chỉ một thời gian sau tôi đã thấy họ xuất hiện với những quảng cáo là bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ, hoặc người còn rất trẻ, đi học 1-2 tháng đã tự xưng "số 1 về thẩm mỹ", ông Hùng cho biết.
Trước thực trạng này, vị chuyên gia nhận định cơ quan chức năng cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng "thay tên, đổi biển" quảng cáo, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sai. Đặc biệt, Bộ Y tế, các sở y tế và các phòng - trung tâm y tế quận huyện phải có cơ chế quản lý những cơ sở thẩm mỹ này. Ngoài ra, các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường - xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) cũng phải có trách nhiệm giám sát.
Ông Hùng đề xuất nếu những cơ sở này xảy ra sai phạm, nơi quản lý giám sát cũng phải chịu trách nhiệm. Người thực hiện để xảy ra tai biến hay biến chứng chết người cần quy trách nhiệm hình sự, phạt tù, đóng cửa cơ sở vĩnh viễn.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đạt chuẩn chỉ để bảng biển theo quy định là “phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ”, cùng với số giấy phép, tên bác sĩ phụ trách. Muốn hoạt động, cơ sở phải có giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ phụ trách chuyên môn chính và danh mục kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ.
Bác sĩ theo chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ phải trải qua quá trình đào tạo trong 6 năm, sau khi ra trường, họ phải học thêm 4-5 năm và hoạt động gắn với chuyên ngành, mới đủ điều kiện xin giấy phép độc lập mở cơ sở phòng khám thẩm mỹ.
Đây là các điều kiện người dân cần hiểu rõ nếu có nhu cầu làm đẹp, đặc biệt cần tìm hiểu thật kỹ về cơ sở và người thực hiện cho mình tránh tình trạng "tiền mất, tật mang", thậm chí là mất mạng.
Gương mặt người phụ nữ bất ngờ sưng nề, biến dạng sau khi được nhân viên spa tiêm hỗn hợp trộn bởi sản phẩm meso không rõ nguồn gốc và mỹ phẩm dạng serum.
Thanh tra Sở Y tế Nghệ An vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Viện thẩm mỹ Mayo Clinic hơn 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng vì có nhiều sai...
Dù không phải người nổi tiếng, nhiều quý ông cũng có nhu cầu "nâng cấp" nhan sắc gương mặt, nâng ngực, độn mông hay hút mỡ bụng, thậm chí một lần làm nhiều dịch v...
Chỉ vì bị cằm nọng, cằm đôi, không ít chị em đã đi “gọt” bằng cách tiêm tan mỡ cho thon gọn, không ngờ phải nhập viện vì biến chứng nhiễm trùng, áp xe nguy hiểm.
Sửa mũi, cắt mí, tiêm chất làm đầy rất dễ thực hiện vì kỹ thuật không khó. Do đó, nguyên nhân dẫn đến tai biến thường không xuất phát từ kỹ thuật mà do thuốc tê, chất tiê...